Bảo tàng sinh thái, mô hình mới cần được nhân rộng

VHO- Bảo tàng sinh thái đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt tại Pháp và nhiều nước châu Âu. Tại Việt Nam, loại hình bảo tàng này tuy còn tương đối mới mẻ nhưng những gì mà nó mang lại đã cho thấy hiệu quả, phù hợp với đời sống xanh, chống biến đổi khí hậu hiện nay và cần được nhân rộng.

Bảo tàng sinh thái, mô hình mới cần được nhân rộng - Anh 1

 Bo tàng Không gian văn hóa Mường, TP Hòa Bình là nơi lưu tr và tái hin không gian sng ca đồng bào Mường

Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), thuật ngữ Écomusée - Bảo tàng sinh thái do hai nhà Bảo tàng học người Pháp George Henri Rivière và Hugues de Varine đưa ra, bao hàm các ý nghĩa của một bảo tàng do cộng đồng địa phương đồng thuận, tự nguyện xây dựng và quản lý, trong đó, trọng tâm là sử dụng, giới thiệu di sản địa phương, cộng đồng và môi trường chung quanh chứ không chỉ là những bộ sưu tập truyền thống. Bảo tàng sinh thái không phải một công trình kiến trúc khép kín mà là một tổ hợp: Lãnh thổ - di sản - ký ức - cộng đồng.

Bảo tàng sinh thái là bước tiến mới của bảo tàng học, đối diện với các vấn đề trong xu thế phát triển mang tính toàn cầu: Bảo vệ môi trường sinh thái trong phát triển bền vững, bảo vệ sự đa dạng văn hóa, bảo vệ bản sắc văn hóa cộng đồng. Bảo tàng sinh thái mở rộng chức năng của bảo tàng, điều hòa quan hệ sinh thái giữa con người và tự nhiên, góp phần phát triển xã hội và cộng đồng. Khi cộng đồng trở thành chủ nhân của bảo tàng sinh thái và được hưởng lợi để phát triển, thì sự gắn kết giữa lịch sử, đương đại, tương lai sẽ làm cho bảo tàng ngày càng phát triển.

Là một trong những phương cách hiệu quả để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể dựa trên sự đồng thuận tự nguyện của cộng đồng (trong việc tự giữ gìn, quản lý và giới thiệu di sản của họ), loại hình bảo tàng này có nhiều điều kiện phát triển ở Việt Nam và sẽ đưa lại hiệu quả nhiều mặt. Cũng theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, ở nước ta, nhận thức chung về vai trò và sự cần thiết của việc bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể đang bắt nhịp dần để theo kịp xu thế chung của thế giới và hoàn toàn có thể phát triển mô hình bảo tàng sinh thái trong tương lai. Trên cơ sở đối chiếu với các tiêu chí và điều kiện nêu trên, có thể đề xuất thí điểm một số điểm văn hóa tiêu biểu để xác lập mô hình này. TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, có thể triển khai xây dựng Bảo tàng cộng đồng cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở Măng Đen (Kon Plong, Kon Tum); Bảo tàng sinh thái làng Nôm (Văn Lâm, Hưng Yên); Bảo tàng di sản văn hóa làng gốm cổ Phước Tích (Phong Điền, Thừa Thiên Huế)… “Các nét văn hóa đặc sắc tiếp tục “sống” trong môi trường văn hóa bản địa, cộng đồng chủ thể được hưởng lợi, kinh tế - xã hội của địa phương được nâng cao. Đó là những lợi ích hiện hữu trước mắt. Ở tầm vĩ mô, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được tôn vinh, văn hóa Việt Nam được bảo tồn, phát huy và mở rộng hội nhập bằng kênh du lịch văn hóa. Đó là những lợi ích lớn hơn nhiều và khó đong đếm”, TS Nguyễn Thị Thu Trang nhận định.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Duy Thiệu, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho rằng: “Bảo tàng sinh thái rất có lợi ích vì công chúng được xem giá trị của nền văn hóa trực tiếp. Thí dụ như tôi đang dệt ra một bộ quần áo, đến bảo tàng sinh thái tôi sẽ được xem từ khâu trồng bông, dệt vải các hoạt động để sáng tạo hiện vật, nhưng nó rộng lớn hơn nhiều, đó là cộng đồng địa phương kiếm sống, nhận thức về môi trường làm sao, họ vào rừng và nhận diện giá trị gì khai thác cho cuộc sống được”.

Chính vì vậy, bảo tàng sinh thái là lời giải để đáp ứng yêu cầu của cả cộng đồng và chính quyền đối với việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên sinh thái cùng toàn bộ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch có trách nhiệm, phát triển cộng đồng và phát triển bền vững.

Thời gian qua đã có rất nhiều mô hình du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái được phát triển ở nhiều vùng trên cả nước nhằm thu hút khách du lịch đến với các địa phương vùng sâu vùng xa. Không thể phủ nhận rằng, chính loại hình du lịch này đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, đồng thời cũng giúp du khách hiểu hơn về văn hóa bản địa. Tuy nhiên, vì đối tượng của các loại hình này là du khách, nên nhiều phương thức sinh hoạt cộng đồng được “bày bán” như một mặt hàng để đổi lấy lợi nhuận, vì vậy tính thiêng, tập tục cũng như tính chất và chức năng vốn có của di sản có thể bị biến đổi. Trong khi đó, bảo tàng sinh thái là một thiết chế văn hóa, là những “di sản sống” không chỉ đáp ứng nhu cầu du khách mà trước hết là lấy cộng đồng trong không gian bảo tàng và việc bảo tồn văn hóa, tính thiêng, tập tục của văn hóa làm trung tâm và cốt lõi.

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, bảo tồn di sản văn hóa trước tiên là phải bảo tồn cả môi trường thiên nhiên nơi nó được hình thành, tồn tại và môi trường tự nhiên ấy cũng là một thành tố của di sản văn hóa. Thứ hai, di sản văn hóa được bảo tồn trong cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng là phải được bảo tồn tại chỗ nơi nó được sáng tạo ra, đang tồn tại và tiếp tục được phát huy trong đời sống xã hội. Đồng thời, bảo tàng ấy phải mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. 

 THUẬN HỮU

Ý kiến bạn đọc